Thủ đô Prague của Cộng hòa Séc là một trong những thành phố cổ kính và hấp dẫn nhất châu Âu. Bên cạnh danh xưng “thành phố Vàng”, “Jerusalem thu nhỏ”1 hay “thành phố trăm tháp”,... Prague còn gây ấn tượng với gần 300 cây cầu, 18 cây bắc qua sông Vltava (dài 430 km) và nổi tiếng nhất là cầu Charles.

Cầu bắt đầu được xây dựng từ năm 1357 dưới sự bảo trợ của vua Charles IV (1316 – 1378)2 nhưng phải đến đầu thế kỷ XV (1402) mới hoàn tất. Trong lịch sử, việc xây dựng những cây cầu vượt sông chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Bất chấp các tiến bộ kỹ thuật công nghệ, quy trình xây cầu thường tuân theo một số nguyên tắc có từ thời cổ đại. Năm 2020, Viện Khảo cổ (IA) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Séc (CAS) và Viện Di sản Quốc gia Séc (NHI) tại Praha đã thực hiện dự án Praha Archeologicka – tái tạo lại quá trình xây dựng cầu Charles bằng đồ họa 3D đẹp mắt.

Cầu Charles, cây cầu lịch sử ở Prague. Ảnh: Adisa/Shutterstock.com
Lan can cầu được trang trí bằng tượng các vị thánh bổn mạng trong Kitô giáo. Ảnh: AlexAnton/Shutterstock.com

Đầu tiên, người ta cần dựng đê quai (ở dưới lòng sông) và tát cạn nước bên trong để xây cất các trụ cầu. Người châu Âu thời Trung Cổ (thế kỷ V – XV) phải đóng hàng trăm, thậm chí cả ngàn khối gỗ xuống lòng sông tạo thành những lớp tường chắn của đê quai rồi đổ đầy bùn (pha thêm cát) giữa các lớp để ngăn nước xâm nhập và bơm nước ra ngoài bằng guồng (bánh xe nước). Sau khi gia cố tầng đất cái (bằng cách đóng cọc), họ sẽ đặt lên trên đó một kết cấu móng bè với những thanh rầm và ván làm từ gỗ sồi. Móng bè này lại được cố định bằng các viên đá tròn lớn và kết nối với nhau bằng những thanh sắt rèn. Xong phần móng là có thể bắt đầu thi công từ các trụ cầu. Riêng đối với phần vòm, phương án xây dựng thường là sử dụng những hệ thống giàn giáo (cốp-pha) bằng gỗ rồi đặt lên trên đó các khối sa thạch hoặc granit (được cắt gọt chính xác) vào đúng vị trí, tiếp đến là tháo dỡ cốp-pha để vòm tự chịu lực. Những mái vòm này lại được gia cố bằng rất nhiều lớp đá trải bên trên theo phương ngang với mặt cầu – được hoàn thiện sau cùng, lát toàn đá cứng.

Prague còn được mệnh danh là “Thủ đô văn hóa của châu Âu”. Ảnh: NaughtyNut/Shutterstock.com
Khung cảnh Cầu Charles trong một buổi chiều tà.
Ảnh: Vitaly Titov/Shutterstock.com

Khi hoàn thành, cầu Charles có chiều dài 512 m, rộng 10 m, gồm có 6 vòm và 15 trụ. Phần lan can về sau được trang trí bằng 30 bức điêu khắc tinh xảo các vị thánh bổn mạng của Kitô giáo, hoàn tất trong giai đoạn 1683 – 1714. Sang thập niên 1960, chính quyền CHXHCN Tiệp Khắc (CCSR) đã cho thay thế những bức tượng này bằng các bản sao và cất giữ bản gốc trong Bảo tàng Quốc gia Praha để bảo tồn.

Cho tới giữa thế kỷ XIX, Cầu Charles vẫn là cây cầu duy nhất bắc qua sông Vltava (đoạn chảy qua Prague dài 31 km), kết nối Lâu đài Prague với Khu Phố cổ3 và một số vùng lân cận. Nó chính là chứng nhân lịch sử trong suốt 600 năm, đã trải qua rất nhiều biến cố và đối mặt với vô số rủi ro, đặc biệt là nguy cơ lũ lụt thường trực. Trận lụt đầu tiên xảy ra vào năm 1402 song nghiêm trọng nhất có lẽ là cơn đại hồng thủy năm 1496 (khiến một mái vòm bị sập) và năm 1890 (làm gãy hai trụ và sập ba mái vòm). Những cuộc giao tranh ác liệt trong nhiều thế kỷ, nhất là tại thời điểm cuối của Cuộc chiến Ba mươi năm (1618 – 1648) cũng khiến các tháp cầu bị hư hại không ít; và người ta buộc phải tháo dỡ những kết cấu trang trí mang phong cách gothic để cất giữ. Cây cầu may mắn khi không phải hứng chịu bom đạn Thế chiến II (1939 – 1945)5 và đã trải qua nhiều đợt trùng tu trong thời hậu chiến. Hiện tại, xe hơi đã bị cấm lưu thông để đảm bảo an toàn cho các trụ cầu.

Chú thích
1. Prague nổi tiếng là thành phố đa văn hóa, nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Tiệp, Đức và Do Thái. Tại Prague có nghĩa trang cổ của người Do Thái và thánh đường Do Thái giáo thuộc loại lâu đời nhất thế giới, cho nên thành phố còn được ví như một Jerusalem khác.
2. Charles IV hay Karl IV của Prague là vua Bohemia thứ 11, vị vua thứ 2 thuộc dòng dõi nhà Luxemburg, và cũng là vị vua Bohemia đầu tiên trở thành Hoàng đế của Vương quốc La Mã Thần thánh (1355 -1378).
3. Lâu đài Prague được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness như là lâu đài lớn nhất thế giới (dài: 570 m, rộng: 130 m). Đây từng là nơi ở của các vị vua Bohemia và hoàng đế La Mã Thần thánh, sau năm 1918 trở thành dinh tổng thống Tiệp Khắc. Còn Phố cổ Prague được hình thành từ thế kỷ IX là khu định cư lâu đời nhất của thành phố.
4. Chiến tranh Ba mươi năm chủ yếu diễn ra tại khu vực nay thuộc Đức với sự tham gia của hầu hết các cường quốc châu Âu và gây thiệt hại nặng nề cho cả châu lục. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến là do mâu thuẫn tôn giáo (Tin lành và Công giáo) cùng âm mưu tranh giành ảnh hưởng (giữa nhà Habsburg với nhiều thế lực khác).
5. Ngày 15/03/1939, Đức Quốc xã chiếm được Tiệp Khắc (có nền kinh tế và lực lượng quân sự khá mạnh, nằm trong top 10 ở châu Âu) theo cách không thể dễ dàng và chóng vánh hơn. Hitler đe dọa không kích Prague trừ khi Tổng thống Emil Hácha (1872 – 1945) cho quân Đức tự do di chuyển qua biên giới và được chấp thuận. Sau đó, Đức Quốc xã tràn vào Bohemia và Moravia mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. Đến tối, Hitler hoan hỷ tiến thẳng vào Prague.

Theo Amusing Planet